Quạt điện là vật dụng cần thiết và thân thuộc để làm mát đối với hầu hết các gia đình. Sẽ thật bất tiện nếu quạt kêu to hoặc rung lắc, giật mạnh khi đang chạy đúng không nào? Vậy nguyên nhân tại sao và cách khắc phục quạt điện kêu to, rung lắc mạnh như thế nào? Cùng Làm thợ tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Nguyên nhân từ cánh quạt
Nếu cánh quạt bị biến dạng, không đồng nhất với nhau thì khi chạy rất dễ bị va chạm với lồng quạt gây nên tiếng ồn lớn.
Biện pháp xử lý lúc này là hãy dùng tay quay nhẹ cánh quạt. Làm cho đầu trước của mỗi cánh quạt đến mặt trước của lưới chụp bảo vệ đều cho khoảng cách như nhau. Nếu cánh quạt làm bằng nhôm thì có thể dùng tay điều chỉnh lại hình dạng của cánh quạt trở về như bình thường. Sau đó, hiệu chỉnh các cánh quạt sao cho đầu sau của nó tới mặt sau của lưới chụp bảo vệ đều có khoảng cách bằng nhau. Như vậy mới có thể hiệu chỉnh được tốt mặt phẳng của mỗi cánh quạt.
– Nguyên nhân từ cánh quạt bị nặng:
Một trong những nguyên nhân đến từ cánh quạt điện nữa là do cánh bị hơi nặng. Do đó, nó làm cho quạt bị chấn động sinh ra tiếng ồn và rung lắc.
Lúc này hãy tháo các cánh quạt, đo lại trọng lượng và loại bỏ bộ phận kim loại ở mặt sau của cánh quạt hơi nặng đi.
– Do lắp cánh quạt không đúng:
Quạt điện có thể bị rung lắc, kêu to có thể do lắp cánh quạt bị lệch tâm. Biện pháp đơn giản là hãy điều chỉnh lại vị trí chụp cánh quạt. Chọn sao cho đặt ở vị trí nào đó có độ rung và tiếng ồn ít nhất, đó chính là vị trí tốt nhất.
– Do lắp cánh quạt và trục quay động cơ quá lỏng:
Khi lắp ghép giữa trục lắp cánh quạt và trục quay động cơ điện có khe hở quá lớn, khi dùng êcu hãm làm cho cánh quạt hơi lệch tâm giống như làm cho cánh quạt hơi nặng.
Biện pháp giải quyết là lấy đồng lá mỏng bọc trục quay cho vừa là được
2. Nguyên nhân từ ổ trục
Ngoài cánh quạt thì ổ trục có vấn đề cũng làm quạt điện kêu to và rung lắc khi sử dụng.
– Ổ trục có khe hở lớn, bị bào mòn
Sự phối hợp giữa trục quay và ổ trục quá lỏng làm tăng tiếng ồn. Thậm chí còn gây ra ma sát giữa lõi thép của stato và rôto.
Để phán đoán có đúng là khe hở của ổ trục quá lớn không có thể làm sạch ổ trục bằng giấy ráp mịn. Sau đó đặt đứng trục quay, lắp ổ trục vào trục quay. Nếu ổ trục không thể tự động trượt xuống dưới, dùng tay chạm nhẹ ổ trục mới có thể trượt xuống dưới. Điều đó chứng tỏ khe hở giữa trục quay và ổ trục là hợp lý. Nếu ổ trục tự động trượt xuống chứng tỏ khe hở lớn.
Nếu một đầu ổ trục lỏng còn đầu kia vừa khít sẽ làm cho trục bị xiên không đồng tâm. Vì lực từ kéo ở một bên dẫn đến việc khởi động khó khi động cơ điện ở tốc độ thấp. Lúc động cơ điện quay sẽ sinh ra rung và có tiếng ồn. Thời gian quay lâu làm cho có sự ma sát giữa lõi thép của stato và rôto. Ngoài ra, do khe hở bạc ổ trục phối hợp quá lớn, không có dầu bôi trơn, tạo thành ma sát trực tiếp với thanh kim loạ. Phát ra tiếng ồn ma sát của thanh kim loại.
Biện pháp xử lý lúc này là:
- Lắp ngược 180 độ ổ trục (vòng bi) ngậm dầu
- Thay ổ trục mới nếu không hiệu quả
- Tra dầu đảm bảo sự bôi trơn.
– Ổ trục không đồng tâm:
Do giữa rôto với 2 đầu vòng chắn đầu trước và sau của quạt điện không đồng tâm cao nên dễ bị rung và tiếng ồn. Biện pháp lúc này đơn giản như sau:
- Khi lắp ráp hai nắp đầu trước sau, một mặt vặn chặt đinh ốc cố định. Một mặt dùng tay xoay rôto chuyển động nhẹ nhàng rồi cuối cùng vặn chặt lại đinh ốc cố định
- Biện pháp triệt để hơn là kiểm tra vòng ngăn nắp máy trước và sau. Nếu là hình bầu dục, cần phải kiểm tra sửa chữa hoặc thay mới. Vòng ngoài của rôto phải mài hoặc tiện tròn lại. Thông thường bán kính trong của nắp đầu trước so với đường kính ngoài của vòng ngăn rô to là 0,05÷0,10mm. Bán kính trong của nắp đầu sau so với đường kính ngoài của vòng ngăn rô to là 0,10÷0,15mm. Dùng tay lắp nắp đậy đầu với vòng ngăn của rôto. Chỉ cần dùng lực rất nhỏ là có thể chụp vào dễ dàng. Căn chỉnh sao cho thích hợp. Nếu dùng thước panme để kiểm tra dung sai của nắp đậy đầu và vòng ngăn vỏ máy quá dễ dàng. Khi lắc nắp đậy đầu cảm thấy có độ rơ giữa nắp đậy đầu và vòng ngăn vỏ máy thì chứng tỏ dung sai của nắp đậy đầu chưa thích hợp, khe hở phối hợp quá lỏng.
3. Nguyên nhân từ lõi thép
Bản chất lõi thép stato là những lá tôn silic dập thành hình rồi ép chồng lên nhau. Vì vậy, khi thời gian vận hành lâu dưới tác dụng của lực điện từ và sự thay đổi ôn thăng sinh ra hiện tượng rung động của lõi thép.
Để giải quyết vấn đề lõi thép bị xộc xệch. Nên ép chặt lõi thép lại, làm cho các lá dập ép chặt vào nhau, chồng lên nhau, các rãnh stato được bằng phẳng.
Đối với vấn đề tiện rôto, nói chung khe hở của động cơ điện nhỏ là 0,5÷0,6mm. Sau khi tiện có thể làm cho từ trở tăng lên. Lượng từ thông giảm nhỏ, dòng điện của rôto giảm nhỏ. Mômen quay giảm thấp, cho nên không nên tiện bỏ.
4. Nguyên nhân bị lắc, đung đưa
Thông thường thiết bị đung đưa gồm có bánh răng. Nếu bánh răng bị mài mòn hoặc lắp ráp không đúng đều làm cho động cơ điện bị rung và có tiếng ồn theo chu kỳ.
Biện pháp giải quyết:
- Thay bánh xe răng mới
- Áp dụng công nghệ lắp ráp hợp lý.
- Định kỳ tra dầu cho thiết bị đung đưa.
5. Nguyên nhân từ cuộn dây
Nếu những điều trên không phải là nguyên nhân quạt điện kêu to, rung lắc thì bạn nên xem đến cuộn dây.
Khi sửa chữa, số vòng dây của cuộn dây không đúng, làm cho từ trường không đối xứng, sinh ra tiếng ù điện từ.
Biện pháp:
Để phán đoán xem có phải do từ sự cố của cuộn dây không. Có thể thay ổ trục đúng loại, tháo bỏ quạt, cho chạy không tải xem tiếng ồn của động cơ điện có không. Nếu vẫn còn tiếng ồn, có thể phán đoán là do sự cố cuộn dây. Nếu không có tiếng ồn lắp lại quạt gió, cho chạy không tải để thử, kiểm tra lại tiếng ồn của động cơ điện.
6. Nguyên nhân từ khe hở không khí
Khe hở không khí không đều sẽ sinh ra tiếng ù điện từ, tạo ra những nguyên nhân khe hở không khí không đều là do:
- Trục quay bị cong;
- Ổ trục bị mài mòn;
- Lắp ráp không đúng;
- Nắp đầu máy và vỏ stato bị biến dạng.
Biện pháp giải quyết đơn giản là xoay nắp đậy đầu máy đi một góc (chẳng hạn 90º) có khả năng điều chỉnh tốt được khe hở không khí.
Hi vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn khắc phục được tình trạng quạt điện kêu to, rung lắc khi quay.